Tiểu sử và binh nghiệp Nguyễn_Văn_Đông

Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại quận Nhất, Sài Gòn, nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh trong một gia đình nguyên là một điền chủ lớn có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh. Thiếu thời, do gia đình có điều kiện nên ông học tại tư gia dưới sự hướng dẫn của thầy học. Sau đó ông theo học bậc Trung học tại trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao, quận Nhất.[3] Năm 1945, nhà cầm quyền Pháp đóng cửa trường Huỳnh Khương Ninh; năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Đông Dương ở Vũng Tàu khi ông 14 tuổi.[4] Thời gian tại đây, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở thành một thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, học cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như "Thiếu sinh quân hành khúc", "Tạm biệt mùa hè"...[3] Năm 19 tuổi, ông rời trường Thiếu sinh quân và được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp tương đương với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối năm 1951, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia Việt Nam, mang số quân 52/120.117, sau đó được cử theo học khóa 4 trường Võ bị Vũng Tàu. Tháng 10 năm 1952, mãn khóa tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy. Qua năm 1953, ông được cử đi học khóa huấn luyện "Ðại đội trưởng" tại trường Võ bị Ðà Lạt. Năm 1954 ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa "Tiểu đoàn trưởng" tại Trung tâm Chiến thuật Hà Nội.[5] Ra trường, ông được cử giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng pháo 553 và là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia khi mới 22 tuổi.[4] Sau Hiệp định Genève (1954), ông di chuyển vào Nam và được thăng cấp Trung úy, phục vụ tại Phân khu Đồng Tháp Mười với chức vụ Trưởng phòng Hành quân, dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Là.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Đầu tháng 11 năm 1955, ông được chuyển biên chế sang Quân lực Việt Nam Cộng hòa, kiêm nhiệm chức vụ Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu Đồng Tháp Mười. Năm 1956 ông tham gia Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh để đánh dẹp lực lượng quân sự giáo phái Hòa Hảo, và tướng Minh từng đến bắt tay ông tỏ lòng ngưỡng mộ.[6]

Cuối năm 1957 ông được cử đi du học khóa Chỉ huy tham mưu tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ.[7] Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm.

Sau Đảo chính 1963 ông được thăng cấp Thiếu tá và được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu phục vụ ở khối Lãnh thổ. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968 ông được thăng cấp Trung tá phụ trách một Phòng trong khối Lãnh thổ. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972 ông được thăng cấp Đại tá, chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu phó. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Huy chương

  • Đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương (tặng thưởng)
  • Một số huy chương quân sự, dân sự khác (tặng thưởng)

Sau 1975

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì là một sĩ quan cao cấp của chính thể cũ nên ông bị chính quyền mới bắt đi học tập cải tạo, bắt đầu từ trại Suối Máu (Biên Hòa), một thời gian sau thì bị đưa về giam ở trại tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Tuy nhiên, khi có Chương trình Ra đi có Trật tự (ODP), ông đã không xin đi xuất cảnh mà ở lại Việt Nam sống thầm lặng cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, Tp Hồ Chí Minh.

Ông qua đời vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 26 tháng 2 năm 2018 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ông qua đời, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 125 - Chiều Mưa Biên Giới đề vinh danh dòng nhạc và tưởng niệm ông.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Văn_Đông http://www.tivituansan.com.au/Details.asp?nID=1593... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43193991 http://www.cothommagazine.com/index.php?option=com... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://nvnorthwest.com/ http://nvnorthwest.com/2018/03/may-dam-son-khe-nha... https://web.archive.org/web/20180227142212/http://... https://web.archive.org/web/20180227142215/https:/... https://tuoitre.vn/tac-gia-chieu-mua-bien-gioi-qua...